Cách chọn loa vi tính phù hợp với nhu cầu sử dụng
Một bộ loa 2.1, 4.1, 5.1 hay 7.1 là quá tuyệt vời cho việc nghe nhạc, nhưng thực tế đôi khi bạn lại cảm thấy một cặp loa stereo bình thường, thậm chí là một loa mono, lại tiện dụng hơn.
Nếu không quan tâm đến nhu cầu thưởng thức âm nhạc trên máy tính, đa số người dùng đều xem mẫu mã và chọn đại một bộ loa cho xong mà không quan tâm đến chuẩn của card âm thanh. Đến khi đem ra sử dụng, mở nhiều loại nhạc, phim khác nhau và so sánh với những bộ loa khác thì có thể bạn mới thấy được tầm quan trọng của việc chọn loa sao cho đáp ứng được các nhu cầu giải trí.
Đặc điểm của loa dùng cho máy tính
Khác với những loại loa thùng lớn, các loại loa dùng cho máy tính có kích thước tương đối nhỏ nhưng tích hợp sẵn mạch điện khuếch đại tín hiệu trong một loa nên có thể cắm trực tiếp vào các ngõ xuất âm thanh trên máy tính mà không cần phải sắm thêm bộ ampli hoặc khuếch đại.
Chính vì vậy, công suất của loa máy tính thường không lớn, chỉ vừa đủ nghe trong gia đình, trong một không gian nhỏ. Khi xem thông tin của loa, bạn sẽ thấy công suất loa được ghi ở dạng công suất thực (RMS) với giá trị từ vài watt đến vài trăm watt; hoặc ghi ở công suất đỉnh (PMPO), còn gọi là công suất khó đạt, với chỉ số khá lớn (từ hàng nghìn watt trở lên). Công suất của loa càng lớn, âm thanh phát ra càng to nhưng chất lượng âm thanh nghe được thì phụ thuộc vào card âm thanh của máy tính và nhãn hiệu, rồi vật liệu làm thùng loa.
Về cơ bản, theo nhận định của một số người có kinh nghiệm, chất lượng âm thanh giảm dần theo các nhãn hiệu Creative, Altec Langing, Logitech, Sound Max, Microlab, Edifider, Genius... Cũng theo nhận định của những “chuyên gia” này, loại loa có thùng làm bằng gỗ nghe ấm tiếng và hay hơn so với loại làm dùng nhựa để đúc thùng; loại thùng nhựa có tiếng treble khá chát.
Trước đây, đối với những bộ loa chỉ có 2 loa, người dùng chỉ cần chú ý đến các đặc điểm trên khi chọn mua. Nay, card âm thanh có khá nhiều chuẩn nên bạn cần quan tâm đến số loa của mỗi bộ loa, tức là xác định (hoặc hỏi nơi bán) xem nó thuộc chuẩn 2.1, 4.1, 5.1, 7.1... Đơn giản, từ chuẩn bạn có thể suy ra số loa có trong bộ hoặc ngược lại; chẳng hạn, loa 2.1 sẽ có 1 loa trung tâm subwoofer (phát tiếng bass) và 2 loa vệ tinh (phát tiếng treble).
Tương tự, loa 4.1 sẽ có 4 loa vệ tinh và một loa trung tâm... Mạch khuếch đại tín hiệu trong loa trung tâm sẽ nhận tín hiệu từ card âm thanh, khuếch đại rồi truyền đến các loa vệ tinh qua các ngõ cắm ở phía sau loa. Số loa càng cao thì số dây nối tín hiệu đến card âm thanh càng nhiều, do vậy việc kết nối loa với máy tính sẽ rắc rối hơn, bạn hãy xem kỹ sơ đồ hướng dẫn trong tài liệu kèm theo loa để thực hiện.
Căn cứ vào card âm thanh
Hiện nay, tất cả các mainboard đều có tích hợp card âm thanh onboard nên chất lượng âm thanh phát ra cũng chỉ ở mức trung bình. Nếu muốn nghe hay hơn, bạn phải bỏ thêm từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu để sắm thêm card âm thanh rời Creative cắm vào khe PCI thường hoặc khe PCI Express 1x, tất nhiên là bạn phải có bộ loa tương ứng. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, với cùng một bộ loa, âm thanh lấy từ card âm thanh rời nghe to và thanh hơn so với card âm thanh onboard.
Nếu không cần thiết mua card âm thanh, bạn hãy chú ý đến chuẩn âm thanh mà mainboard hỗ trợ để chọn bộ loa tương ứng. Trong trường hợp không có điều kiện “tậu” bộ loa hợp chuẩn với card âm thanh, bạn vẫn có thể mua có chuẩn thấp hơn để dùng.
Cách chọn
SoundMax speaker
Sau khi căn cứ vào card âm thanh và các đặc điểm của loa để loại trừ các loại loa không thích dùng, bạn hãy dự tính các nhu cầu sử dụng loa. Muốn nghe âm thanh đạt mức độ trung thực cao, bạn nên chọn loại đạt chuẩn từ 4.1 trở lên, đem về bố trí các loa như sơ đồ thì bạn sẽ cảm nhận được độ trung thực của âm thanh khi xem phim bằng đĩa DVD hoặc chơi game hành động. Ngược lại, bạn hãy chọn loại loa 2.1 thay vì tính đến việc mua bộ loa thường chỉ gồm có 2 loa giống nhau (về giá, 2 loại loa này không chênh lệch nhiều).
Trước khi mua loa, bạn hãy đến quầy thử loa để nghe thử loại 2 loa định chọn để so sánh và chọn loại hay nhất. Nếu số loại định chọn nhiều hơn 2, bạn hãy nghe và so sánh 2 loại đầu tiên để chọn ra một loại; sau đó tiếp tục nghe và so sánh nó với những loại còn lại trong số các loại được chọn. Khi khó phân biệt được chất lượng âm thanh phát ra giữa 2 loại, bạn hãy dừng việc chọn loa và thực hiện lại sau đó vài giờ hoặc vài ngày.
Kinh nghiệm cho thấy, khi chọn loa, bạn nên vặn nút volume từ một nửa hoặc đến vị trí maximum để nghe xem loa có bị rè hay không, bởi nếu vặn nhỏ thì bạn chẳng phát hiện ra tình trạng này. Ngoài ra, nếu bạn muốn kỹ và nhanh hơn, hãy mang theo đĩa nhạc “xịn” và thường nghe để dễ cảm nhận và so sánh các loại loa.
Một số phát sinh khi dùng loa máy tính
Đầu tiên, bạn phải cài đúng driver cho card âm thanh. Đối với những mainboard, card âm thanh hỗ trợ chuẩn cao hơn 4.1, bạn hãy cài nguyên bộ driver card âm thanh có trên đĩa driver kèm theo thay vì cài riêng driver cho nó. Khi đó, ngoài việc cài driver cho card âm thanh, quá trình cài đặt còn cài thêm chương trình điều khiển các ngõ âm thanh ở phía sau thùng máy. Nếu cắm sai hoặc điều chỉnh các ngõ tín hiệu sai, bạn chỉ có thể thưởng thức âm thanh ở chuẩn 2.1.
Trên máy tính, bạn sẽ dùng các phần mềm để mở file nhạc, đĩa VCD, DVD... nên ngoài việc điều chỉnh loa và chương trình điều khiển các ngõ tín hiệu, bạn còn có thể chọn hoặc điều chỉnh chế độ âm thanh (Equalizer) như Classical, Full Bass & Treble, Live, Pop, Rock, Techno... để nghe được nhạc hay hơn. Bên cạnh đó, bạn còn có thể cài thêm các phần mềm tăng chất lượng âm thanh tương ứng với phần mềm đang dùng để làm cho âm thanh phát ra sống động hơn. Chẳng hạn, bạn cài thêm chương trình DFX khi nghe nhạc và xem phim bằng chương trình Winamp thì nghe được âm thanh hay hơn.
Trên loa có 2 nguồn tín hiệu đầu vào (input). Do vậy, bạn có thể vừa dùng nó để kết nối với ngõ cắm âm thanh trên máy tính và kết nối với thiết bị phát âm khác như đầu đĩa. Khi thực hiện, bạn cần lưu ý, nếu loa có nút công tắc chuyển, bạn hãy cắm cùng lúc 2 nguồn tín hiệu vào nó; ngược lại, mỗi lúc bạn chỉ nên cắm 1 nguồn tín hiệu, vì nếu cắm cả 2 nguồn tín hiệu thì loa sẽ phát tiếng rất nhỏ.
Trong quá trình sử dụng, nếu có thêm tiếng rột rẹt khi bạn vặn nút volume (hoặc các nút khác), hoặc tăng giảm volume đều không có tác dụng, hoặc volume bị dính chặt cứng không thể vặn được là biến trở làm volume đã bị hư. Khi đó, bạn có thể đem loa đi bảo hành hoặc đem đến các tiệm sửa chữa điện tử để họ thay biến trở với chi phí khoảng vài chục nghìn đồng. Ngoài ra, nếu sau một thời gian sử dụng, các loa phát âm thanh không đều nhau (có cái nhỏ, cái to) là mạch khuếch đại của loa đã bị hư linh kiện.
Hãy liên hệ ngay với chúng tôi để biết thêm thông tin sản phẩm Loa Máy tính
CÔNG TY TNHH TIN HỌC VIỄN THÔNG BÁCH KHOA 38
- Địa chỉ: 132 Trần Vĩ - Mai Dịch - Cầu Giấy - Hà Nội
- Điện thoại: 024-37.525.488 / 37.525.489 - Fax: 024-37.525.489
- Bảo hành: 024-37.525.488 - Ex 107, 108
- Hotline: 0915.801.811- 0983.428.777
- Email: hotro.bk38@gmail.com
- Website: http://www.bk38.com
Cách chọn loa vi tính phù hợp với nhu cầu sử dụng
Trả lờiXóa